Giai đoạn thứ ba Các chiến dịch bắc phạt thời Đông Tấn

Bài chi tiết: Hoàn Ôn

Hoàn Ôn diệt Thành Hán

Sau cái chết của Dữu Lượng, việc bắc phạt gián đoạn trong vòng vài năm cho đến khi tướng Chinh bắc tướng quân, Vạn Ninh bá Hoàn Ôn xuất hiện. Thời Tấn Thành Đế, Ôn được phong làm An Tây tướng quân, đô đốc quân sự 6 châu của nhà Đông Tấn, kiêm chức Hộ Nam Man hiệu uý, Kinh châu thứ sử. Ông quyết tâm bắc phạt để giành lại miền bắc.

Sang thời Tấn Mục Đế (344 - 361), do hoàng đế còn nhỏ, quyền hành trong triều nằm trong tay các đại thần là Cối Kê vương Tư Mã Dục, Hà SungThái Mô... Trong thời điểm đó, danh tiếng Hoàn Ôn nổi lên nhanh chóng. Lúc này, ở phía tây, nước Thành Hán rối loạn, suy yếu trầm trọng. Thấy thời cơ đã chín muồi, năm 346, Hoàn Ôn chính thức đưa quân tây tiến nhằm tiêu diệt Thành Hán[25]. Ông thượng thư lên Tấn triều nhưng không cần đợi trả lời đã xuất binh.

Quân của Hoàn Ôn tiến đến Kiến Vi rồi Bành Mô, sai tham quân Chu Sở và Tôn Thịnh dẫn theo bộ tốt thẳng tiến Thành Đô. Lý Thế sai chú là Lý Phúc, anh là Lý Quyền ra chống, hai bên giằng co nhau. Hoàn Ôn dùng kế đánh tan quân của Lý Phúc, buộc Phúc rút lui rồi tập kích Lý Quyền. Sau ba lần giao chiến, quân Quyền cũng đại bại phải chạy về Thành Đô. Lý Thế nghe tin binh bại, bèn đưa quân chống trả một lần nữa, nhưng cũng bị đánh bại. Hoàn Ôn thừa thắng tiến thẳng đến đất Thục, trong một đêm đi hơn 900 dặm, vào Manh Thành. Lý Thế đành phải dâng thư xin hàng. Ôn chấp nhận, cho giải thế về Kiến Khang. Ôn đóng ở đất Thục khoảng 1 tháng, tiến cử người hiền, vỗ an dân chúng rồi về kinh, được phong làm Chinh Tây đại tướng quân, Khai phủ, Lâm Hạ quận công[26].

Ân Hạo ba lần thua trận

Tháng 4 năm 349, Thạch Hổ chết, tình hình Hậu Triệu phát sinh rối loạn. Cộng thêm lúc này ở Trung Nguyên, Mộ Dung Hoảng ở quận Liêu Đông đã xưng vương, kiến lập nước Tiền Yên (337 - 370). Ở Hậu Triệu, con nuôi của Thạch HổNhiễm Mẫn, nguyên là người Hán, giết chết liên tiếp hai vua họ Thạch và tàn sát con cháu Thạch Hổ. Do thấy người Hung Nô không ủng hộ mình nên Mẫn tàn sát thẳng tay, riêng ở kinh đô Nghiệp Thành có hơn 20 vạn người bị giết[27]. Nhiễm Mẫn lên làm vua, lập ra nước Nhiễm Ngụy (350 - 353).

Nhiễm Mẫn gửi thư lên triều đình xin đưa quân bắc phạt. Hoàn Ôn cũng thượng biểu bắc phạt nhưng do tướng Ân Hạo bất mãn với Ôn nên không xem xét và hạ lệnh xuống. Hoàn Ôn tức giận muốn giết Ân Hạo nhưng sau lại thôi.

Đầu năm 352, Nhiễm Mẫn chiếm cứ thành Tương Quốc[28], chính thức tiêu diệt Hậu Triệu. Ở Trường An, năm 351, họ Phù xưng vương, thành lập nước Tiền Tần (351 - 394), Trung Nguyên bị xâu xé và chia cắt.

Năm 352, Ân Hạo lại là người đi bắc phạt. Ông đưa quân tiến công các vùng Hứa Xương, Lạc Dương và sai thái thú Hoài Nam Trần Quỳ, Thứ sử Duyện châu Thái Duệ làm Tiên phong, Tạ Thượng, Tuân Tiện là Đốc thống, lấy lúa hơn 1.000 khoảnh ruộng ở phía tây Trường Giang làm quân lương, rồi dẫn quân bắc phạt. Nhiễm Ngụy suy yếu trầm trọng.

Quân của Ân Hạo tiến về thành Hứa Xương thì tướng vừa quy hàng là Trương Ngộ làm binh biến phản lại, Ân Hạo đành phải dừng việc tiến về phía bắc để lo diệt Trương Ngộ. Ông sai Tạ Thượng cùng Diêu Tương tiến đánh Trương Ngộ nhưng do Ngộ được Tiền Tần giúp sức nên quân Tấn bị đại bại. Ân Hạo đành lui về Thọ Xuân.

Không chịu thất bại, đến tháng 9 cùng năm, Ân Hạo lại một lần nữa khởi binh bắc phạt nhằm vào nước Tiền Tần, đóng quân ở Tứ Khẩu. Ông sai thái thú Hà Nam Đái Thi đóng ở Thạch Môn, thái thú Huỳnh Dương Lưu Độn đóng ở Thạch Môn, để làm hậu bị. Khi đến Thọ Dương, Ân Hạo dụ các đại thần của vua Tiền Tần Phù Kiện là Lương An, Lôi Nhương đến, bảo nếu giết Phù Kiện sẽ phong cho chức to. Tuy nhiên sau đó hai người này bị Phù Kiện giết chết. Trong khi đó, Ân Hạo nghi kị tướng dưới quyền Diêu Tương nên muốn giết đi, bèn sai Lưu Khải giữ Tiếu Thành, dời ông đi Lê Đài, Lương quốc, dâng biểu xin cho ông thụ chức Lương quốc nội sử.

Ân Hạo thượng biểu lên Tấn Mục Đế xin cho mình đóng ở Lạc Dương, tu sửa viên lăng, lại sai Quan Quân tướng quân Lưu Hiệp giữ Lộc Thai, Kiến Vũ tướng quân Lưu Đôn đóng ở Thượng Viên, xin triều đình cho mình thôi chức ở Dương châu để đóng ở Lạc Dương. Triều đình không chịu. Hạo lại rút quân về Thọ Dương.

Sang tháng 9 năm 353, Ân Hạo dẫn 70.000 quân bắc phạt lần nữa. Tuy nhiên lần này Diêu Tương có ý làm phản, bèn nhân lúc Ân Hạo đưa quân đến, cho thủ hạ giả làm dân ban đêm bỏ trốn để phục kích. Khi vào đến núi, quân của ông bị Diêu Tương đánh dữ dội, bản thân ông phải chạy đến Tiếu thành, hơn vạn quân bị Diêu Tương sát hại, quân lương và vật tư trong quân bị lấy đi hết. Ân Hạo lại sai Lưu Khải và Vương Bân tiến công trở lại Diêu Tương, nhưng bị thua trận, Khải và Bân bị giết. Ba lần bắc phạt của Ân Hạo đều thất bại.

Năm 354 Hoàn Ôn thượng biểu lên Tấn triều, lấy lý do bỏ đất mất quân đòi cách chức Ân Hạo. Triều đình đành phải nghe theo, phế Ân Hạo làm Thứ nhân, đày sang huyện Tín An, quận Đông Dương[29]. Từ đó Hoàn Ôn lại giữ quyền bắc phạt

Thiếu lương, bỏ đất

Trong năm 353, Tiền TầnTiền Yên liên quân diệt Nhiễm Ngụy, hình thành hai thế lực mới ở Trung Nguyên.

Tháng 2 năm 354, Hoàn Ôn dẫn quân từ Giang Lăng đi đánh nước Tiền Tần. Quân Đông Tấn chia 2 ngả, quân thuỷ đi tới Nam Hương, quân bộ đi đến Vũ Quan. Hoàn Ôn lại sai thứ sử Lương châu nhà Tấn là Tư Mã Huân đi đường hang Tý Ngọ để đánh quân Tần từ phía sau. Tiếp đến, quân của Ôn tiến công Thượng Lạc, bắt được thứ sử Kinh châu của Tần là Quách Kính[30] rồi đại phá quân Tần ở Thanh Nê. Vua Tần là Phù Kiện sai Phù Hùng cùng Phù Sinh đem vạn quân đóng ở Nghiêu Liễu kháng cự. Phù Sinh giết tướng nhà Tấn là Ứng Đình, Lưu Hoằng, khiến quân Tấn tổn thất nặng. Tuy nhiên người em là Hoàn Ôn là Hoàn Xung lại đại thắng quân Tần ở Bạch Lộc Nguyên. Hùng lại tập kích quân của Tư Mã Huân ở Tử Ngọ cốc, buộc Huân lui về Nữ Oa Bảo[31].

Trong khi đó Hoàn Ôn đưa quân tiến đến Bá Thượng gần Trường An. Phù Kiện lấy 5000 quân cố thủ. Dân trong thành Trường An thấy Hoàn Ôn đến vui mừng, có ông lão nói: Bất hồ kim nhật phức kiến quan quân[32]. Tuy nhiên quân Tấn không tiến được Trường An thì đã hết lương, phải lui về.

Trận Lạc Dương (356-362)

Năm 356, Hoàn Ôn tiếp tục thực hiện kế hoạch bắc phạt, được Tấn triều phong làm Chinh thảo đại đô đốc, đốc Tư Ký nhị châu chư quân sự, đô đốc quân sự hai châu Tư, Ký. Sau đó, Ôn dùng Đốc hộ Cao Vũ đóng ở Lỗ Dương, Phụ quốc tướng quân Đới Thi đóng ở Hà Thượng, sau đó dẫn đại quân theo sông Hoài Hà tiến về miền bắc. Quân của Ôn xuất phát từ Giang Lăng vào tháng 8 năm 356 rồi tiến đến lãnh thổ Tiền Yên. Tại đây, quân Tấn vấp phải sự phản kháng của hàng tướng trước kia, Diêu Tương. Thủy quân hai bên đụng độ nhau ở phía bắc sông[33]. Khi ra trận, Hoàn Ôn dẫn đầu xung phong làm tinh thần quân tướng phấn kích, đánh thắng được quân của Diêu Tương. Diêu Tương bị tổn thất hơn nghìn quân, tìm đường mà chạy, cuối cùng bị Tiền Tần giết chết.

Hoàn Ôn nhân đà thắng lợi, nhanh chóng đưa quân chiếm lại Lạc Dương. Bản thân Ôn vào thành Kim Dung thăm lăng tẩm của các đời tiên đế nhà Tấn bị xâm hại rồi cho khôi phục lại. Sau đó ông còn tiến đến Chu Thành, bắt sống và buộc tướng địch phải quy hàng, rồi cho dời 3000 nhà từ miền bắc về Giang Hán, đồng thời phái thái thú Tây Dương Đằng Tuấn thảo phạt quân nổi loạn Văn Lô, tướng Giang Hạ Lưu Hỗ cùng thái thú Nghĩa Dương Hồ Ký thảo phạt Lý Hoằng đều phá tan được. Sau đó Hoàn Ôn đưa quân về kinh đô, được phong làm Bình trung, tước Nam quận công. Như vậy sau 43 năm, triều đình nhà Tấn giành lại Lạc Dương lần đầu tiên.

Tuy nhiên Đông Tấn chỉ giữ được Lạc Dương thêm có 6 năm. Tháng 1 năm 362, Dự châu thứ sử của Tiền Yên là Tôn Hưng thỉnh cầu đưa quân công chiếm Lạc Dương[34]. Người nước Yên nghe theo, phái Ninh Nam tướng quân Lã Hộ đến đóng tại Hà Âm để chuẩn bị.

Tháng 2 năm 362, Yên U Đế là Mộ Dung Vĩ sai Lã Hộ tiến đánh Lạc Dương[35]. Đến tháng 3 cùng năm, các chốt phòng thủ gần Lạc Dương của nhà Tấn lần lượt bị phá vỡ, thái thú Hà Nam Đới Thi trốn ra đất Uyển, tướng Trần Hựu cho dâng thư báo về Kiến Khang. Tình hình Lạc Dương trở nên hết sức cấp bách.

Tháng 5 năm 362, Hoàn Ôn sai Dữu Hi và thái thú Cánh Lăng Đặng Hà suất 3000 quân cứu viện Lạc Dương nhưng cũng không sao chống lại Tiền Yên. Đồng thời Ôn thượng biểu lên Tấn đế xin thiên đô lên Lạc Dương để tiện việc bắc phạt. Tuy nhiên bấy giờ triều đình ai cũng sợ hãi không dám lên miền bắc, còn dân tình miền bắc tiều đình, sinh ra nhiều hoài nghi. Cuối cùng triều đình không đồng ý dời đô[36]. Sau đó triều đình cho thăng Ôn làm đô đốc ba châu Tịnh, Tư, Ký, nhưng Ôn từ chối.

Trong khi đó, Lạc Dương liên tiếp chứng kiến thất bại của nhà Tấn. Chinh đông tham quân Lưu Bạt của Yên giết được Chinh đông tướng quân, thứ sử Ký châu, Phạm Dương vương của Tấn là Tư Mã Hữu ở Tín Đô. Sang tháng 7, Lữ Hộ lui về giữ Tiểu Bình Tân, giữa đường thi chết, nhưng quân Tấn vẫn không sao nhân cơ hội phản kháng lại. Tướng Đoàn Sùng đưa quân về bắc, đóng ở Dã Dương, còn tướng Đặng Hà đóng ở Tân Thành, cũng nhau làm phên dậu cho Lạc Dương.

Đến tháng 11 năm 362, Dữu Hi từ Hạ Bi lui về Sơn Dương, Viên Chân từ Nhữ Nam lui về Thọ Dương. Sang tháng 4 năm 363, Ninh Đông tướng quân của Tiền Yên là Mộ Dung Trung đánh chiếm được Huỳnh Dương, thái thú Lưu Viễn chạy về quân Lỗ Dương. Sang tháng 5, quân Yên tiếp tục công hạ Mật Thành rồi Trần Lưu (tháng 10 năm 363),...Các đất đai mà Hoàn Ôn chiếm được năm 356 đều trở về tay Tiền Yên[37].

Chiến sự năm 369

Sau khi Tiền Yên giành lại Lạc Dương, chiến sự tạm lắng xuống. Mãi đến năm 369, Hoàn Ôn mới tiếp tục đưa quân bắc phạt. Đây cũng là lần xuất chinh cuối cùng trong cuộc đời của Hoàn Ôn.

Tháng 3 năm 369, Hoàn Ôn chính thức thượng biểu xin Tấn Phế Đế cho mình cùng với các đại thần là Thứ sử hai châu Từ, Duyện Si Âm, thứ sử Giang châu, Nam trung lang tướng Hoàn Xung (cũng là em trai của Ôn) và thứ sử Dự châu Viên Chân cùng dẫn quân phạt Tiền Yên[35][38], nhưng Si Âm cáo bệnh nên Hoàn Ôn là người nắm quyền chỉ huy tối cao. Ôn phong cho Si Âm làm Quan Quân tướng quân, Cối Kê nội sử còn mình lại đảm nhiệm chức thứ sử Từ Duyện của chính Âm để lại. Có tướng Si Siêu khuyên ngăn rằng đường sá xa xôi lại thời tiết khô hạn không thuận lợi nhưng Ôn không thèm nghe.

Cùng trong tháng 3, Hoàn Ôn cùng Hoàn Xung, Viên Chân dẫn 50000 quân bắc phạt. Quân Tấn nhanh chóng tiến đến vùng Hồ Lục, Hoàn Ôn dùng Kiến Uy tướng quân Hồ Lục ra trận, đại thắng, bắt sống tướng Mộ Dung Trung rồi đánh sang Kim Hương[39] vào tháng 6 năm đó. Nhưng không may gặp hạn hán, thuyền của quân Tấn không tiến lên được. Hoàn Ôn bèn sai quân sĩ đào 300 dặm vùng Cự Dã để khai thông cho thuyền đi từ Thanh Thủy tiến lên sông Hoàng Hà.

Thấy quân Tấn tấn công, vua Yên sai các tướng là Hạ Bi vương Mộ Dung Lệ làm Chinh thảo đô đốc, dẫn 20000 quân giao chiến với quân Tấn ở Hoàng Khư, bị Hoàn Ôn đánh bại, thái thú quận Cao Bình của Tiền Yên là Từ Phiên bỏ sang hàng quân Tấn. Các tướng tiến phong Đặng Hà, Chu Tự cũng đánh tán tướng Yên là Phó Nhan ở Lâm Chử[40]. Vua Yên lo sợ, sai Tán kị thường thị Lý Phụng cầu cứu Tiền Tần.

Tháng 7 năm 369, Hoàn Ôn tiến cứ Vũ Dương, được thứ sử Duyện châu của Tiền Yên là Tôn Nguyên hưởng ứng rồi tiến thẳng về Phương Đầu. Yên đế Mộ Dung Vĩ và thái phó Mộ Dung Bình lo sợ, muốn bỏ trốn khỏi kinh thành. Ngô vương Mộ Dung Thùy là người dũng cảm, xin được ra trận[41]. Vĩ nghe theo, phong Mộ Dung Thùy làm Sử trì tiết, Nam thảo đại đô tốc, cùng Chinh Nam tướng quân, Phạm Dương vương Mộ Dung Đức đưa 5 vạn quân chống cự, đồng thời lại sai Nhạc Tung đến Tần cầu cứu lần nữa, hứa sẽ giao miền tây Hổ Lao cho Tần. Vua Tiền Tần là Phù Kiên chấp nhận. Tháng 8 cùng năm, Kiên sai tướng quân Tuân Trì cùng thứ sử Lạc châu Đặng Khương dẫn 20000 bộ binh xuất phát tiến đến Dĩnh Xuyên và sai Tán kị thị lang Khương Phủ báo lại cho Tiền Yên.

Trong khi đó quân của Hoàn Ôn đã vào đến Phương Đầu[42]. Ôn sai Viên Chân đánh Tiếu Lương để mở đường, nhưng không được, lại thêm quân lương đã cạn kiệt. Sang tháng 9 năm đó, Mộ Dung Đức dẫn 10000 quân, Lưu Đương dẫn 5000 quân đánh Thạch Môn. Đức sai tướng Mộ Dung Trụ dẫn 1000 người đi tiên phong, giao chiến với quân Tấn rồi dùng kế lui quân để nhử. Quả nhiên quân Tấn trúng kế, mắc vào ổ mai phục và bị thiệt hại nặng.

Hoàn Ôn nhiều lần ra trận bất lợi, thêm việc quân lương gần hết và Tiền Tần sắp đến bèn quyết định lui quân về, dùng Mao Hổ ở lại trấn thủ. Hoàn Ôn đưa quân lui 700 dặm. Mộ Dung Thùy phái quân truy kích, lại cử Mộ Dung Đức lĩnh 4000 quân mai phục ở Tương Ấp, phá tan quân của Hoàn Ôn, giết hơn 3 vạn quân Tấn. Tướng Tôn Nguyên của Tấn bị Tả vệ tướng quân Mao Thảo của Yên đánh tan và bị bắt.

Tháng 10 cùng năm, Hoàn Ôn lui về Sơn Dương. Xấu hổ vì bại trận, Ôn đổ hết mọi tội lỗi lên đầu Viên Chân rồi thượng biểu phế Chân làm thứ nhân[43]. Chân ấm ức, cũng dâng biểu kể tội của Ôn nhưng nhà Tấn không báo lại. Chân bèn chiếm cứ Thọ Xuân rồi quay sang hàng Tiền Yên. Hoàn Ôn lại cử Mao Hổ làm thái thú Hoài Nam, đóng ở Lịch Dương, còn mình lui về miền nam. Giai đoạn thứ ba của cuộc chiến chấm dứt từ đó. Hoàn Ôn về sau không một lần nào tiến lên miền bắc nữa cho đến khi qua đời (373).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Các chiến dịch bắc phạt thời Đông Tấn https://zh.wikipedia.org/wiki/s:%E5%8D%81%E5%85%AD... https://zh.wikipedia.org/wiki/s:%E5%8D%97%E5%8F%B2... https://zh.wikipedia.org/wiki/s:%E5%AE%8B%E6%9B%B8... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/...